Teen chơi bar - tại sao không ?Cuối tuần, teen đi chơi bar để được nghe nhạc, nhảy nhót, để được khoe với nhau những bộ đầm đẹp mà bình thường rất ít khi có dịp diện... Tại sao lại không nhỉ!
Phong cách bar của TeenỞ Hà Nội, bar dành cho teen đếm trên… nửa bàn tay. Đã ít, lại rất hay bị đóng cửa vô thời hạn. Toilet (Trần Quốc Toản) ngày nào mở ra như thiên đường của các xì tin. Tối tối óng ánh quần áo son phấn lên nghe hip hop, nhảy hết mình và 11h vui vẻ ra về làm con ngoan
Bụp một cái đóng cửa, các 8x đời cuối và 9x đời đầu lại “ngậm ngùi” chọn Mega Star, Vincom, bến Nhật Bản để lượn lờ lang thang hết tối, kêu ầm trời: “Chán Hà Nội, chẳng còn chỗ nào chơi !”
Lên bar, gặp gỡ bạn bè, xả stress... cũng là cách giải trí hay ho chứ!
Năm vừa rồi, một vài bar mới đã được mở nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của teen. Funky monkey (Đường Thành) là bar “tiên phong”, sau đó chuyển về Hàng Thùng nhường chỗ cho một chốn ăn chơi khác. Funky chuyên chơi nhạc hip hop, xen kẽ vài bài House, Trance giật tung người. Ngày cuối tuần lên muộn, khéo chỉ có đứng ngoài cửa mà hóng.
Nổi nhất bây giờ không thể thiếu tên Loo pub (Yên Phụ). Sinh sau đẻ muộn hơn Funky, nhưng đến thời điểm hiện tại thì Loo đã chiếm hết khách từ Funky và Kandi bar (Lê Thái Tổ). Thứ 6, thứ 7 xì tin về đây đông như trảy hội. Từ ngoài cửa, teen ăn mặc đẹp, đầu tóc cầu kỳ đứng trò chuyện y như party bên nước ngoài vậy.
Loo Pub trước là Toilet cũ. Phong cách Toilet được duy trì không bỏ sót một chi tiết. Nhạc hip hop muôn thuở, bàn đặt đôi khi là tên Bông, Cún, Gấu béo nghe ngộ nghĩnh hết biết.
Trong một không gian chưa đầy 50m2, hết cầu thang xuống hầm đã là không khí… chẳng liên quan tí nào đến cái lạnh giá 7độ bên ngoài. Chật ních người, chỉ có một khoảng trống nhỏ để nhảy ở giữa, còn lại đứng chen chúc vào nhau. Nhưng đông đúc chẳng bao giờ là vấn đề với teens.
Họ cười đùa vui vẻ, nhường chỗ cho khách mới vào rất thân thiện. Không hề có ánh mắt soi mói hay cú “bắt lỗi” nào, vô ý va vào nhau, ngẩng mặt lên có khi là bạn quen, bắt tay nhau cười tít. Người trẻ sành chơi quan niệm “mấy giờ rồi còn bắt lỗi đánh nhau”, chỉ có những bar của “người thiếu văn minh” mới hay xảy ra chuyện ấy thôi.
Tối thứ 7 theo chân cô em sinh năm 1990 dự cái sinh nhật. Cả hội 9x cùng mặc váy công chúa, tay cầm vòng phát sáng, trên đầu cũng một cái bờm có sừng… phát sáng nốt.
Khi phụ huynh cũng ủng hộ Nhung (17tuổi) đang ríu rít khoe bộ váy Miss60 chiều mẹ mới mua cho để tối có dịp mặc. Hỏi mẹ cho đi chơi bar cơ à, cười tươi lắm, giọng lạc đi trong ồn ào: “Mẹ em tâm lý lắm, miễn là 1 tuần chỉ đi 1 lần, còn đi đâu mama đưa đi mà, lát 11 rưỡi lại đón em về. Thoải mái cực !”
Trên bàn thấy đặt chĩnh chệ chai rượu. Hỏi ra mới biết để đấy thôi, mấy đứa góp tiền vào mua chứ có uống đâu. Nhảy nhót là chính, gặp gỡ và giải stress là chính. Hội này 1 tuần đi chơi đúng thứ 7, xin thẳng phụ huynh là con đi bar nghe nhạc. “Nói dối làm gì, nhiều đứa cứ nói dối đến nhà bạn rồi mang quần áo đi thay để trốn lên đây. Bọn em nói thẳng luôn, tâm lý bố mẹ được giải tỏa chứ nhỡ may biết mình dối trá, ai chẳng cấm.” Chơi thật thoải mái và trẻ trung , tuyệt nhiên không thấy hiện tượng dùng chất kích thích như người ta hay gán ghép cho bar của teen.
Giữa sàn nhảy là 3 xì tin nước ngoài. Từ cách ăn mặc đến điệu nhảy đều toát lên vẻ “stylish” rất riêng của teen. Bất đồng ngôn ngữ nhưng không bất đồng phong cách, họ nhảy hồn nhiên, trò chuyện với bất cứ teen nào muốn thử tí Tiếng anh. Hội của Giang (20t) đang cần thực hành cho giờ Listening sắp tới, thế là mời “Tây” về bàn talking show luôn. Tiện quá nhỉ !
Đừng bôi đen từ “Bar”Có đi thử bar cho teen mới biết giới trẻ giờ đây không đen tối, u ám và chơi “bạt mạng” như người ta thường nghĩ. Một tối lên bar nghe nhạc, nhảy hết mình đến mệt oài cho quên đi bao áp lực học hành, để tuần sau lại quay về với công việc chính, như thế có gì là sai ?
Thế nhưng, đáng buồn là vẫn còn những teen không thích chọn cách chơi đúng với tuổi của mình. Chính vì thế người lớn mới có cái nhìn ác cảm về việc đi bar. Bản thân bar mở ra không xấu, chỉ có bạn vào.. nhầm chỗ mới làm nó xấu đi thôi.
H.A, 18 tuổi mà thành tích nhảy nhót và xài ectasy phải đến 3 năm rồi. Còn là học sinh cấp 3 nhưng H.A không “chấp nhận nổi kiểu bar của teen thế đâu. Quê vãi, nghe nhạc hip hop sao mà cất cánh được (!?!)”.
Trình của H.A chơi là phải Am.., R, hay F, những chốn dân chơi “thực sự” mới bước chân vào. Còn vào đấy để nghe nhạc xả stress hay không thì có giời mới biết. Chỉ thấy chiều hôm sau H.A mới lê chân về đến nhà, mặt mũi đờ đẫn và ngồi luyên thuyên đủ chuyện không liên quan.
Bố mẹ H.A thấy quý tử cuối tuần nào cũng đi như thế bèn theo dõi và bắt quả tang cậu đang “bắt chuồn chuồn” trên bar. Với những sự cố như thế còn phụ huynh nào dám tin đi chơi bar là trong sáng?
Chúng ta hay than thở Hà Nội nhỏ bé hiếm chỗ chơi, vậy khi có những địa điểm thích hợp cho việc giải trí, chúng ta giữ được nó tồn tại lâu không lại là do ý thức của chính mình mà thôi.